PHĐN-Đạo Phật là đạo nhân quả (nhân nào quả nấy) trên cơ sở lấy “Tâm” làm gốc và được ứng dụng vào trong cuộc sống.

 

Tâm còn gọi là nhận thức. Nhận thức dẫn đến hành động như thế nào thì sẽ cho kết quả tương ưng như thế đó dựa trên nền tảng luật “Nhân quả” tức là “Hiện tại là quả của quá khứ và làm nhân cho vị lai”. Thế nhưng, có lúc Đức Phật lại nói “kết quả hiện tại là do nghiệp lực dẫn dắt”. Vậy thì Nhân quả là sao? Nghiệp là như thế nào? Nhân quả và Nghiệp giống nhau hay khác nhau ?

 

Nhân quả có 2 loại:

 

-Nhân quả đồng thời là thế giới chuyển biến sát na của A Lại Da, thế giới biến dịch sinh tử, là sự vận hành tự nhiên trùng trùng duyên khởi vô lượng pháp trong vũ trụ còn gọi là pháp chấp.

 

-Nhân quả khác thời nương vào nhân quả đồng thời mà phát hiện, là thế giới chuyển biến chu kỳ của Mạt na, thế giới phần đoạn sinh tử. Nhận thức có: quá khứ - hiện tại - vị lai trải qua ba cõi. Nhân quả khác thời là hành động tự nhiên của thân căn sinh lý còn gọi là ngã chấp.

 

Nghiệp: trải qua tiến trình 5 uẩn, ý chí cải sửa nhân quả khác thời thành nghiệp ác hay thiện. Nghiệp có 3: thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Ý nghiệp là mấu chốt điều khiển thân-khẩu hành động tạo nghiệp.

 

Vậy, nhân quả đồng thời là căn bản làm nền tảng duyên khởi nhân quả khác thời để tạo ra nghiệp. Như vậy, trong nhân quả chưa có nghiệp, trong nghiệp đã hàm chứa nhân quả. Nhân quả khác thời và nghiệp giống nhau ở hành động của thân căn nhưng khác nhau vì nhân quả hành động tự nhiên còn nghiệp hành động có tác ý.

 

Đức Phật có nói: “nhân thân nan đắc” tức được thân người là khó. Trên thế giới, hiện nay có khoảng 6 tỷ người, nhưng không ai giống ai về hình dáng lẫn tính tình,..? Hình dáng có cao-thấp, mập-ốm, đẹp-xấu, trắng-đen, thân đầy đủ căn hay khuyết tật,…; Hoàn cảnh sung sướng thanh nhàn-vất vả lo toan, giàu sang-bần hàn, hạnh phúc-đau khổ,…; Sự hiểu biết sâu- cạn, thông minh-tối dạ, có học-thất học,…; Tính tình hiền-dữ, thật thà-ranh ma, tế nhị-thô lỗ, …các tôn giáo khác cho đó là “định mệnh”, nhưng Đạo Phật cho là “nhân-quả” của mỗi người tự tạo: quá khứ làm việc thiện thì hiện tại được hưởng những điều tốt đẹp, làm điều ác thì hiện tại nhận lãnh những điều xấu xa. Do đó “chính mình tự chịu trách nhiệm vận mệnh của mình”. Đức Phật có nói: “được làm người rất quý” vì con người có ý chí biết cải sửa nhân quả thành nghiệp, chuyển nghiệp ác thành thiện cho đến thuần thiện, nếu đủ duyên sẽ dứt nghiệp. Vậy, nếu hiểu rõ nhân quả, cách chuyển nghiệp và sẽ chuyển ngay trong hiện tại: cái quả hiện tại đang nhận chịu, mình có quyền dùng ý chí kinh nghiệm cải sửa “quả xấu thành quả tốt, quả tốt thành quả tốt hơn”, hoặc ngay trong nhân quả và nghiệp lặng lẽ thấy rõ mọi tiến trình diễn biến của nó thì “bất muội nhân quả và nghiệp mà phi nghiệp”.

 

Thông qua 15 hạng chúng sanh để phân tích nhân quả, nghiệp và cách chuyển nghiệp như thế nào, nhất là của người và trời Dục giới trong cuộc sống hiện tại.

 

Trước hết nói về nhân quả đồng thời: là thế giới sinh diệt sátna luôn vận hành tự nhiên trùng trùng duyên khởi ra vô lượng pháp trong vũ trụ, gom gọn là 15 hạng chúng sanh.

 

Nhân quả khác thời: là thế giới sinh diệt chu kỳ của mạtna, thế giới có thân căn sinh lý và trần cảnh vật lý đều là thức biến nên luôn thu hút giao thoa lẫn nhau để nhận thức phát hiện. Thân căn có ba tương ưng với ba trần cảnh để phát hiện ba thức: cõi Dục có thân căn phù trần giao thoa ngoại pháp phát hiện cái nhìn, cõi Sắc có thân căn tịnh sắc giao thoa nội pháp phát hiện cái thấy tức cảm giác, cõi Vô sắc có thân căn tịnh sắc vi tế giao thoa pháp trần phát hiện cái biết phân biệt. Nhân quả khác thời luôn diễn biến, nhưng chúng sanh trong ba cõi khó nhận biết.

 

*Cõi Dục giới: tạm chia có ba trường hợp nhân quả khác thời như sau:

 

1- Khi thân căn có nhu cầu sinh lý tự nhiên như: đi, đứng, nằm, ngồi,…thường hành

 

động bộc phát không ý thức, hành động này đôi khi dẫn đến thiệt hại cho chính bản thân (vập đầu, té ngã,…) hoặc cho đối tượng (đạp chết con vật, đổ bể đồ vật,…).

 

2- Khi thân căn đối xúc với trần cảnh phát sinh cảm giác dễ chịu hoặc khó chịu.

 

3- Khi thân căn có nhu cầu bồi dưỡng thì phát khởi dục vọng.

 

Ba nhân quả khác thời trên sẽ đưa đến những hành động:

 

Bốn đường ác: có thân căn sinh lý thuần phù trần, tâm si mê đến mức ý chí ẩn khuất, chỉ có cảm giác và phân biệt lờ mờ, luôn hành động theo dục vọng bản năng, thuần nhân quả khác thời. (1) Hành động tự nhiên theo nhu cầu, nếu có sự cố vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. (2) Tâm quá ngu si nên vui-buồn xảy ra cứ nhận lờ mờ thế thôi. (3) Khi thân căn sinh lý có nhu cầu thì dục vọng khởi lên, lập tức hành động chiếm hữu ngoại pháp theo bản năng sinh tồn nhằm thỏa mãn thân căn. Tâm 4 đường ác được biểu hiện: Địa ngục tâm ù lỳ, Ngạ quỷ tâm tham lam, Súc sanh tâm sân giận, Atula tâm ganh tỵ thích gây sự.

 

Loài Người: có thân căn gồm phù trần và tịnh sắc, bắt đầu có ý chí, sống theo luân lý. Khi thân căn sinh lý có nhu cầu, dục vọng khởi lên, liền tác ý tập trung vào một giác quan cho căn-trần-thức đắm nhiễm thấy rõ sự vật và cảm giác, rồi tư tưởng phân biệt suy tính lên kế hoạch chiếm hữu, thuộc ý nghiệp; Ý chí sai thân-khẩu hành động chiếm hữu ngũ dục (sắc đẹp, tiền tài, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ) thuộc thân nghiệp-khẩu nghiệp. Con người do mới tiến hóa nên tâm thức đứng giữa ranh giới ác và thiện, vì vậy môi trường sống rất quan trọng.

 

Trong môi trường không luân lý: dễ bị dục vọng chi phối mạnh, ý chí đồng hóa với tâm bốn đường ác và hành động tạo nghiệp theo bản năng, đôi lúc đối cảnh tâm thiện khởi lên, nhưng ý chí bị ngũ dục lôi cuốn chuyển thiện thành ác. (1) Do tạp niệm nên hành động thường không có ý thức, khi sự cố xảy ra, tập trung tư tưởng phân tích thấy rõ sự thiệt hại và bấy giờ “chỉ thấy lỗi người không thấy lỗi mình”, ý chí bị tâm ác đồng hóa lập tức sai thân khẩu đổ trút mọi lỗi lầm cho người khác, thậm chí còn làm gia tăng sự oán thù,…(2) Ý chí xui thân khẩu hành động quá trớn: vui thì nói cười ngặt nghẽo, buồn thì than khóc ủ ê (thiếu ý thức), hoặc xui thân hành động chiếm hữu ngoại sắc để lạc thú tăng trưởng mạnh như: xì ke, rượu chè, cờ bạc, dâm dục,…(ngạ quỷ) hoặc bực tức ganh tỵ với thành công của người khác (atula),…(3) “Chỉ nghĩ đến mình”. Sau khi tập trung căn-trần-thức thấy rõ sự vật, ý chí bị đồng hóa với dục vọng bản năng, lập tức xui giục thân khẩu hành động chiếm hữu ngũ dục nhằm thỏa mãn nhu cầu bản thân (ngạ quỷ, súc sanh, atula). Hiện tại cố ý cải sửa nhân quả chuyển thành nghiệp ác, sẽ  nhận lãnh quả ác.

 

Trong môi trường có luân lý: ý chí chế ngự được dục vọng, thường hành động tạo nghiệp thiện, đôi lúc đối cảnh tâm ác khởi lên liền dùng ý chí chế ngự chuyển ác thành thiện.(1) Sau sự cố xảy ra, giật mình tỉnh thức biết xấu hỗ, ăn năn, hối lỗi, suy nghĩ tìm cách khắc phục làm giảm đi những thiệt hại do mình gây ra. (2) Sau khi tư tưởng phân biệt nguyên nhân vui-buồn để rồi ý chí chế ngự “không vui vui quá, không buồn buồn tênh”, vui cùng với niềm vui thành công của người khác hoặc chọn khổ làm niềm vui như xả thân cứu người trong hoàn cảnh nguy nan,…(3) Sau khi tập trung căn-trần-thức thấy rõ sự vật, tư tưởng suy nghĩ phân tích cách chiếm hữu ngũ dục phù hợp luân lý trước khi ý chí quyết định sai thân khẩu hành động mà không gay thiệt hại cho một ai, “nhường cơm xẻ áo” giúp người đồng cảnh ngộ, cơ hàn lỡ vận,…Hiện tại đôi khi đang nhận quả ác, nhưng luôn ý thức cải sửa nhân quả chuyển thành nghiệp thiện thì sẽ giảm nghiệp ác nhận được quả thiện.

 

Trời Dục giới: ngoài ý chí còn có học vị, kiến thức, kinh nghiệm,…tâm hướng thiện, luôn suy nghĩ chín chắn, phân tích, tổng hợp kỹ lưỡng trước khi ý chí quyết định hành động chiếm hữu ngũ dục cho phù hợp đạo lý, thuộc ý nghiệp. Sống “tri túc thiểu dục”, chọn luân lý làm thước đo trong cuộc sống, thuộc thân nghiệp-khẩu nghiệp. (1) Có ý thức trong hành động, thường ít xảy ra sự cố, nếu có thì nhanh chống khắc phục tốt. (2) Dùng ý chí, kiến thức, kinh

 

nghiệm,…thay đổi hoàn cảnh duy trì niềm vui thanh cao. (3) Chiếm hữu ngoại sắc đáp ứng nhu cầu thân căn sinh lý thanh cao hơn người, thường chọn món ăn tinh thần làm chính như dùng kiến thức, kinh nghiệm,…của mình cống hiến cho xã hội, cho nhân loại: Nhà bác học phát minh ra nhiều đề tài khoa học, sản xuất ra nhiều của cải vật chất giúp nhân loại tận hưởng sự an nhàn trong cuộc sống; Nhà giáo tận tâm đem hết kiến thức của mình hướng dẫn giảng dạy cho học sinh-sinh viên có một tri thức, đạo đức làm hành trang đi vào cuộc sống; Ngành y dược với lương tâm nghề nghiệp tận lực cứu chữa cho mọi người khỏi bệnh được thân thể khỏe mạnh; Nhà báo tâm trong sáng nhận định chuẩn xác đăng tải các thông tin giúp nhân dân nắm bắt kịp thời tình hình trong và ngoài nước, nêu gương “người tốt việc tốt” cho mọi người học tập góp phần củng cố cộng đồng xã hội đang xuống dốc về đạo đức,…; Nhà hảo tâm với tình thương tràn đầy sẵn sàng “bố thí, giúp đỡ” cho mọi người thoát khỏi cảnh đói nghèo; …Như vậy quả đã tốt nay cải sửa chuyển thành quả tốt hơn, sẽ tiến hóa lên cao hơn.

 

Nhưng, trong thời đại ngày nay, vật chất ngút trời, ngũ dục lung lạc ý chí, tư tưởng có sự so sánh rồi đăm ra nhàm chán với “đức hạnh tri túc thiểu dục”. Trước đây, nhà bác học, nhà giáo, nhà báo, bác sĩ, kỹ sư, nhà hảo tâm,…luôn có hoài bão học tốt với tâm huyết cống hiến hết đời mình vì sự nghiệp nhằm mục đích “mình vì mọi người”. Còn nay thì một số chuyển tâm huyết thành mục đích “mọi người vì mình”, mục tiêu phải đạt là “danh lợi-tiền tài” cho rằng “có danh lợi, tiền tài muốn gì cũng được”. Từ đó, kiến thức-kinh nghiệm,…đã bị thương mại hóa, trở thành món hàng trao đổi mua-bán miễn sao đạt lợi nhuận cao!?! Bốn đường ác hành động ác đã đành vì tâm thức quá u tối, còn trời Dục giới sống đạo lý, có phước báo, thông minh nhưng ý chí bị ngũ dục cám dỗ dẫn đến hành động sai lầm mà tự để mình sa lầy vào tội ác. Như vậy, đã có quả tốt nay cải sửa chuyển thành quả xấu ác, sẽ rơi xuống bốn đường ác. Thật đáng tiếc!!!

 

Cõi Dục, bốn đường ác tâm tán loạn quá si mê không hề biết nhân quả và nghiệp là gì, luôn hành động theo bản năng tức thuần nhân quả khác thời. Người-trời Dục giới dùng ý chí, kinh nghiệm, kiến thức,…cải sửa nhân quả khác thời tạo nghiệp, do tạp niệm nên không làm chủ được tâm tức không làm chủ được nghiệp, nên có lúc thiện có lúc ác và cứ quanh lộn mãi.

 

*Cõi trời Sắc giới: Qua thời gian tỉnh ngộ, tư tưởng nhàm chán, người-trời Dục giới quyết tâm bỏ ác hướng thiện, tu thiền định để làm chủ nghiệp, thăng hoa lên cõi Sắc.

 

Tìm nơi thanh tịnh, ý chí quyết định xui thân hành thiền, tập trung tư tưởng vào một đề mục ngoại pháp đã chọn, đây là ý nghiệp và thân nghiệp. Khi tập trung được liên tục đạt nhất niệm, chuyển nghiệp ác thành thiện, chuyển ngoại pháp thành nội pháp tức “ly dục sinh hỷ lạc”, đắc Sơ thiền. Khi nội pháp tiếp xúc thân tịnh sắc căn tạo sự rung động sinh cảm giác hỷ lạc, phát khởi dục vọng, đây là nhân quả khác thời. Tâm mong muốn chiếm hữu nội pháp để tận hưởng cảm giác, thuộc ý nghiệp; ý chí thúc giục thân nhập định, thuộc thân nghiệp. Khi đạt “định sanh hỷ lạc” đắc Nhị thiền. Tiếp tục định kỹ lâu đạt “ly hỷ diệu lạc” đắc Tam thiền.

 

Cõi Sắc, tu thiền định tâm nhất niệm, làm chủ được nghiệp, thấy được nhân quả khác thời cõi Dục. Dùng ý chí mạnh, kinh nghiệm, kiến thức dồi dào phối hợp với định cải sửa nhân quả khác thời của thọ chuyển thành nghiệp hoàn toàn thiện bởi nội pháp tự phát khởi từ nội tâm không tổn hại đến ai. Dùng định nhất niệm kéo dài thiện nghiệp.

 

*Cõi trời Vô sắc giới: Qua thời gian, Tam thiền nhận biết cách chuyển nghiệp chưa thuần thiện, dùng định lực kỹ lâu sâu thăng hoa lên Tứ thiền sắc giới.

 

Tứ thiền, trong thiền định, thấy được nhân quả cõi Dục, cõi Sắc. Khi thân căn sinh lý tịnh sắc vi tế tiếp xúc pháp trần có cái biết phân biệt, khởi dục vọng muốn hiện hữu, hình thành nhân quả khác thời. Sau trải nghiệm, biết rằng “an trú trong hiện tại” sẽ không còn dính mắc vào thân và cảm giác, Tâm mong muốn chiếm hữu pháp trần, thuộc ý nghiệp; Ý chí thúc giục thân nhập định kỹ lâu sâu để tận hưởng “hiện tại lạc trú” thuộc thân nghiệp, cải sửa nhân quả khác thời của tưởng thành thuần thiện nghiệp. Tiếp tục tập trung định lực hơn nữa thăng hoa lên Tứ Không chìm đắm vào “tịch tịnh trú”, dùng định lực “tiêu dung nhân quả khác thời

 

của sắc, thọ”, thấy được: “nhân quả khác thời”, “nhân quả đồng thời”, đỉnh cao “dường như tự tại không dính mắc vào nhân quả và nghiệp”. Ở đây chỉ có thuần ý nghiệp thiện rất vi tế.

 

Cõi Vô Sắc nhất niệm cao sâu, với ý chí mạnh mẽ, kinh nghiệm, kiến thức,…tuyệt vời tập trung định lực chìm đắm trong “hiện tại lạc trú” và “tịch tịnh trú” 24/24 giờ, thấy duyên khởi của các pháp tức thấy nhân quả, sống tự tại “gió bát phong không động tới” nên nghĩ rằng mình đã hoàn toàn “bất lạc nhân quả và dứt nghiệp”.

 

Thật ra, nhân quả là dòng chuyển biến sátna không ngừng nghỉ của vũ trụ nói chung và của thế giới chuyển biến chu kỳ nói riêng, như vậy không thể “bất lạc nhân quả” mà là “bất muội nhân quả”. Và chỉ có tâm “vô niệm” mới “bất muội nhân quả và phi nghiệp”. Tâm vô niệm tức là nhận lại Chân Tâm, rồi lặng lẽ như thật biết tiến trình hình thành nhân quả và ý chí tư tưởng chuyển nhân quả thành nghiệp diễn biến như thế nào nhận như thế nấy của bản thân gọi là “hiện tiền lạc trú”, khi tùy thuận thị hiện đến thấu đáo “nhân quả và nghiệp” của toàn thể chúng sanh trong vũ trụ gọi là “hiện pháp lạc trú”.

 

*Tứ Thánh:

 

-Nhập lưu: Khi tu tập được thức trong sáng, cơ duyên gặp Thiện tri thức khai ngộ buông xả mọi ý niệm, trở về Chân tâm rồi “lặng lẽ như dòng nước” nhìn thấy rõ ngay trong “sóng xác thân ngũ uẩn” tiến trình nhân quả của bốn đường ác hiện tiền diễn biến như thế nào nhận như thế nấy mà không cải sửa. Vì rõ biết nhân quả nên “bất muội nhân quả của bốn đường ác” và vĩnh viễn không có hành động ác. Còn người và trời Dục giới tưởng mình đắc Nhập lưu, nhưng thật ra hiện tại thoáng thấy đã vội vàng dùng ý chí, kinh nghiệm, kiến thức cải sửa nhân quả khác thời thành nghiệp theo luân lý, vì không rõ biết nên khi gặp trường hợp ngũ dục quá tải, rớt xuống bốn đường ác

 

-Nhất vãng lai: Tiếp tục trở về Chân tâm, lặng lẽ thấy rõ ngay trong xác thân ngũ uẩn tiến trình hình thành nhân quả và ý chí, kinh nghiệm cải sửa nhân quả chuyển thành nghiệp ác hoặc thiện của người-trời Dục giới hiện tiền diễn biến như thế nào nhận như thế nấy. Vì rõ biết nên “bất muội nhân quả về sắc và phi nghiệp của người-trời Dục giới”. Còn cõi Sắc tưởng mình đắc Nhất vãng lai, nhưng thật ra hiện tại thấy rõ đã vội dùng ý chí, kinh nghiệm, định lực đè nén chạy trốn nhân quả và chuyển nghiệp của người-trời Dục giới thăng hoa lên tầng trời cao hơn. An trú trong thiền định, thời gian nhàm chán, xuất định, nếu không tiến hóa thì thoái hóa hoặc gặp hoàn cảnh quá tải, ngũ dục lôi cuốn rớt xuống cõi Dục.

 

-Bất lai: Tiếp tục trở về Chân tâm, lặng lẽ biết rõ ngay trong xác thân ngũ uẩn tiến trình hình thành nhân quả và ý chí, kinh nghiệm phối hợp định cải sửa nhân quả chuyển thành nghiệp từ thiện sang thiện hơn của cõi Sắc hiện tiền diễn biến như thế nào nhận như thế nấy. Vì rõ biết nên “bất muội nhân quả về thọ và phi nghiệp của cõi Sắc”. Còn Tứ thiền sắc giới  tưởng mình đắc Bất lai, nhưng thật ra thấy rõ cõi Sắc cải sửa nhân quả thành nghiệp rồi tập trung ý chí mạnh, kinh nghiệm tuyệt vời phối hợp định lực sâu an trú trong “hiện tại”, nhưng thời gian nhàm chán rồi xuất định, nếu gặp hoàn cảnh quá tải có thể bị rớt xuống cõi Dục.

 

-A la hán: Đã trở về an trụ Chân tâm, lặng lẽ như thật biết dòng chuyển biến nhân quả đồng thời duyên khởi nhân quả khác thời nên “bất muội nhân quả”. Nếu còn mang xác thân thì vẫn còn trả nghiệp cũ, nhưng các Ngài lặng lẽ như thật biết tiến trình ý chí, tư tưởng cải sửa nhân quả thành nghiệp diễn biến như thế nào nhận như thế nấy nên “nghiệp mà phi nghiệp”. Nếu các Ngài nhập “diệt thọ tưởng định”, trụ vào Chân không thì “phi nhân quả, phi nghiệp”. Còn Tứ Không tưởng mình đắc A la hán, nhưng thật ra, chú tâm chuyển nghiệp ngày càng thuần thiện, tư tưởng rất vi tế thấy rõ tiến trình duyên khởi Tứ thiền, lại an trú trong “tịch tịnh”. Nhưng rồi thời gian nhàm chán, xuất định, từ đỉnh cao tụt dóc xuống thấp, nếu chướng duyên có thể tụt đến tận cùng bốn đường ác.

 

Ba bậc Thánh đầu từng bước trở về Chân Tâm, lặng lẽ thấy rõ nên “bất muội nhân quả từng phần và dứt nghiệp từng loại chúng sanh”. Thánh Alahán tự độ đã xong, trở về an trú Chân Không nên “phi nhân quả và phi nghiệp” của chính mình.

 

*Ba bậc Tam Tôn

 

-Bích chi, Duyên giác: Tâm bất động, các Ngài hòa mình vào cuộc sống để tìm hiểu hoàn cảnh của chúng sanh mà luôn “bất muội nhân quả, nghiệp mà phi nghiệp”.

 

-Bồ tát Thánh: Phát bồ đề tâm cứu độ chúng sanh. Tâm luôn bất động, từ “phi nhân quả, phi nghiệp” mà từng bước tùy thuận “nhân quả và nghiệp” ứng hóa thân một chúng sanh đến nhiều chúng sanh, thị hiện trong một cõi đến nhiều cõi, để dần dần biết rõ nhân quả đồng thời của vũ trụ.

 

-Như lai: Tâm như như bất động, lập tức ứng hóa “nhân quả và nghiệp” để độ chúng sanh trong toàn thể pháp giới. Và, Như lai thấu suốt “nhân quả và nghiệp” toàn thể chúng sanh trong vũ trụ.

 

Vậy, ba bậc Tam Tôn với tâm đại từ đại bi, tùy thuận “nhân quả và nghiệp” ứng hóa nhiều thân chúng sanh, thị hiện trong nhiều cõi. Khi lập tức ứng hiện vô lương thân trong vô biên cõi thành Như lai thì mới thật sự “bất muội nhân quả của vũ trụ”.

 

Tóm lại, nhân quả đồng thời là dòng chuyển biến tự nhiên của vũ trụ làm nền tảng duyên khởi nhân quả khác thời. Tùy nhận thức của mỗi chúng sanh trong 3 cõi mà cải sửa nhân quả khác thời thành nghiệp thiện hoặc ác. Muốn chuyển nghiệp, mỗi chúng sanh cần thay đổi nhận thức ngay trong hiện tại, bởi “những gì ở quá khứ được cải sửa ngay hiện tại, những gì ở tương lai đều nằm ngay hạt giống hiện tại”. Bốn đường ác tâm tán loạn, chưa có ý chí nên không biết cải sửa. Người-trời Dục giới tâm tạp niệm, cải sửa nhân quả thành nghiệp khi thiện khi ác; Trời Sắc giới tâm nhất niệm, cải sửa nhân quả thành nghiệp thiện; Trời Vô sắc giới tâm nhất niệm sâu, chuyển nghiệp thiện sang thuần thiện. Tuy nhiên, do chưa hiểu rõ nhân quả và nghiệp nên đè nén đối trị chạy trốn để tiến hóa, nếu quá tải vẫn trở lại hành động tạo nghiệp ác. Để “tự cứu lấy mình” thì phải dứt nghiệp. Muốn dứt được nghiệp thì phải thấu đáo nhân quả và nghiệp. Khi tâm vô niệm, nhận lại Chân tâm, lặng lẽ thấy rõ tiến trình ngũ uẩn diễn biến như thế nào nhận như thế nấy tức thấy rõ trong nghiệp có nhân quả hoặc ngay trong hiện tại có cái hiện tiền. Ba bậc Thánh đầu, trên đường trở về Chân Tâm, từng bước “bất muội nhân quả và phi nghiệp” từ Địa ngục đến Tam thiền. Thánh Alahán an trụ Chân Tâm, còn xác thân thì “bất muội nhân quả, nghiệp mà phi nghiệp”, bỏ xác thân thì “phi nhân quả, phi nghiệp”. Ba bậc Tam Tôn “phi nhân quả, phi nghiệp” nhưng với lòng bi mẫn tùy thuận vào “hiện pháp” mà thị hiện “nhân quả và nghiệp” dài dài để độ chúng sanh.

 

Và, chỉ có Như Lai mới rốt ráo thấu suốt “nhân quả và nghiệp” của vô lượng chúng sanh trong toàn thể pháp giới vũ trụ.

 

Thí dụ nhân quả và nghiệp trên nền tảng là “Tâm”:

 

Thí dụ 1: Có lúc chân bước mà tâm nghĩ ngợi mông lung, vô ý đạp nhằm con vật gì đó trượt chân, xuýt té đây là hành động nhân quả (nhân là 2x2=4 là quả). Sau khi tập trung nhìn kỹ thấy con rắn mối đã bị đạp chết. Nếu tâm ác sẽ rủa chưởi “tại mày mà tao xuýt té, mày chết đáng đời”, từ nhân quả chuyển thành nghiệp ác, linh hồn nó oán thù, lúc này 2x2=50. Nếu tâm thiện sẽ cảm thấy hối hận, xin lỗi rồi đem chôn xác nó, từ nhân quả chuyển thành nghiệp thiện, lúc này 2x2=2. Còn nếu hiểu đạo tụng chú Vãng sanh và nguyện cầu linh hồn nó được vãng sanh, nó rất cám ơn, từ nhân quả chuyển thành nghiệp thiện, lúc này 2x2=0 mà có thêm phước báo.

 

Thí dụ 2: Hàng ngày có một ông lão ăn mày đi ăn xin qua các nhà có ông chủ rất giàu:

 

Ông 1: Miễn cưỡng bố thí vì sợ mất mặt trước quan khách đang dự tiệc, bố thí mà tiếc của.

 

Ông 2: Rất thương cảm, sẵn sàng bố thí không chỉ một lần mà thường xuyên liên tục.

 

Ông 3: Lặng lẽ bố thí với tâm “không có người cho, không có vật cho, không có người nhận”.

 

Ông 4: Bố thí vật chất còn bố thí pháp. Giải thích rõ cho ông ăn mày biết do tiền kiếp đã gây nghiệp ác hiện tại nhận quả xấu, rồi hướng dẫn cách tu tập chuyển nghiệp và chấm dứt nghiệp.

 

Vậy, ông lão ăn mày, hiện tại nhận quả ác từ quá khứ, nhưng không biết chuyển nghiệp. Ông chủ (1)(2) đã tạo nhiều nghiệp thiện, đủ duyên hiện tại hưởng phước báo nên tận hưởng sự giàu sang. Nhưng ông (1) tâm keo kiết, hiện tại chuyển thiện thành nhân ác; Ông (2) tâm thiện, hiện tại chuyển thiện càng thiện hơn. Ông (3) tâm “Tam luân không tịch”, đây là Thánh A la hán. Ông (4) tâm “đại từ đại bi”, đây là Bồ tát Thánh tùy thuận vào hiện tượng giới để cứu độ chúng sanh.

++++++++++++++++++++++

Truyện Ngắn Phật Giáo

Tâm Không - Vĩnh Hữu

 

 

 

THÕNG TAY VÀO CHỢ

 

Mùa Xuân lững thững về. Anh cũng lững thững đi ra phố chợ. Hai bàn tay trơ trọi của anh đút sâu vào hai túi quần rỗng trống buồn tênh. Anh mỉm cười thong dong bước đi, hòa vào dòng người nhôn nhao tất tả. “Tôi không phải là kẻ móc túi!”. Anh muốn nói với mọi người chung quanh điều ấy, và chắc khi nhìn thấy anh, mọi người cũng nghe được lời anh nói qua điệu bộ buồn cười của anh. Anh vào chợ chỉ để đưa mắt ngắm nghía, hít thở không khí của chợ búa ngày Xuân, cho đến khi mệt mỏi anh mới trở về nằm dài trên chiếc giường ọp ẹp, tay xoa bụng lép kẹp, mắt nhìn bâng quơ lên trần mái dột nát của căn gác nhà trọ già nua, để tưởng tượng, ước mơ một ngày mai tươi sáng.

 

Tội nghiệp, cuộc đời anh đã trải qua quá nhiều biến động chỉ trong vòng mười lăm năm… Khi đang còn mài đủng quần trên ghế giảng đường Cao đẳng Sư phạm, anh có một tình yêu thật đẹp, và anh đã nuôi tình yêu đó bằng cả trái tim mình. Người yêu anh có tên của một loài hoa thân quen dễ nhớ: Lê Thị Hoa Hồng. Anh và nàng cùng học chung trường, chung khối, chung cả đường đi lối về, nên những tháng ngày mà tình yêu mới chớm nở thật lãng mạn dễ thương. Hai người cùng ra trường, trở thành hai người chèo đò đưa học trò qua dòng sông tri thức cuồn cuộn, nhưng mỗi người chèo chống một phương cách xa nhau. Anh lên miền núi. Nàng ra hải đảo. Những lá thư đôi lứa liên lạc với nhau, hứa hẹn, thì thầm nhỏ to, kèm theo những nụ hôn gió, đều bò chậm còn hơn rùa già bò lên đồi dốc thẳng đứng, nhưng rất quý. Một viễn cảnh tươi đẹp, thơ mộng. Một tương lai êm đềm. Tất cả đều đã được đôi lứa lên kế hoạch một cách chi tiết, tính toán chính xác bởi hai giáo viên chuyên Toán. Chỉ cần vượt được thời gian thử thách là những gì trên giấy trắng mực đen, trong ý tưởng, hay trong những giấc mơ sẽ trở thành sự thật…

 

Đùng một cái, mẹ anh qua đời. Anh hụt hẩng, trở về chịu tang trong đau đớn khôn tả. Nàng hay tin chậm, cũng xin phép nghỉ đột xuất để về thắp nhang khóc lạy. Hai người được gặp nhau trong hoàn cảnh đau buồn ấy, nên không nói gì được nhiều, chỉ nắm tay nhau để truyền cho nhau sinh lực mà đứng vững giữa biến động đầy xót xa. Rồi thôi, lại chia tay mỗi người một ngã với cái hẹn bâng quơ. Anh xuống tinh thần từ dạo ấy. Niềm vui, niềm tin có từ những buổi đứng lớp dạy học, từ những giây phút dạy dỗ đám học trò ngây ngô ở vùng rừng núi đìu hiu, đã không đủ làm cho anh khuây khỏa nỗi đau mất mát được mang cái tên phũ phàng: mồ côi mẹ.

 

Cha anh đã mất trong một tai nạn giao thông từ khi anh mới lên ba. Người thân còn lại của anh chỉ có mẹ và người anh trai cộc cằn thô lỗ. Mẹ cũng không còn, anh có lúc tưởng chừng mình không chịu đựng nổi. Nhưng anh dần dần được hồi tỉnh, được xoa dịu cho vơi đi cái rát buốt trong lục phủ ngũ tạng kể từ khi anh tình cờ gặp được sư Kiến Tâm. Đó là một buổi chiều chủ nhật rảnh rang, anh tản bộ lang thang khắp cái vùng “chó ăn đá, gà ăn muối”, chỉ với mục đích duy nhất là đi cho khuây khỏa qua ngày giờ trống vắng tẻ nhạt. Anh lạc vào tịnh thất nằm trên lưng chừng núi của sư thầy tu pháp môn Thiền. Từ ngày được cái duyên gặp gỡ quý báu ấy, bất cứ khi nào rảnh là anh tìm đến tịnh thất của sư Kiến Tâm để nghe những lời giáo huấn, để mở mang thêm kiến thức, và cũng để học và hành những “tuyệt chiêu” ngăn diệt khổ đau có hiệu quả tức thì.

 

Anh đang có chút hào hứng khám phá một con đường mới mẻ lạ lẫm, thì được tin từ lá thư của người anh trai dưới thành phố gửi lên báo cho biết: căn nhà của cha mẹ để lại cho hai anh em đã thuộc về quyền sở hữu của người khác. Người anh trai đã đoản hậu bán nhà để trừ món nợ khổng lồ do thua độ liên tiếp cả một mùa bóng đá World Cup. Còn được chừng năm cây vàng, người anh “dễ thương” đã gửi cho hàng xóm giữ hộ phần chia cho em trai mình là hai cây, rồi lận túi số còn lại, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn dông tuốt theo một cô bồ đi lưu lạc giang hồ, không hẹn ngày trở lại… Một lần nữa, trời sập trên đầu, đất lún dưới chân anh. Anh xin nghỉ phép về thành phố, nhận số tài sản ít ỏi được chia chác mà khóc rưng rức, rồi trở lên lại miền núi với một tâm thần bất ổn.

 

Anh suy sụp hoàn toàn, bắt đầu chui đầu vào quán mà uống rượu giải khuây, dạy học không còn hứng thú, sống không còn niềm tin, ngại liên lạc với Hoa Hồng, và tự dưng rất sợ gặp sư Kiến Tâm, như ma quỷ sợ Bụt vậy! Chuyện gì đến cũng đã đến, anh bị Ban giám hiệu kỷ luật, quyết định trả anh về cho Phòng giáo dục xử lý vì cái tội rượu chè be bét mất đạo đức của người thầy, dạy không ra dạy, phụ huynh học sinh khiếu nại quá xá. Anh không một lời phân bua, vì biết mình hoàn toàn đã sai lầm, mình như một đoàn tàu đã chệch khỏi đường ray, có bị kỷ luật nặng cũng chẳng oan ức gì. Anh cuốn gói rời khỏi chốn học đường, nhìn về nẻo trước mịt mờ mà lòng ê chề chán ngắt. Phải về lại phố thị phù hoa thôi.

 

Nhưng trước khi hạ sơn xuống phố, thật may, anh lại có đủ can đảm để ghé vào tịnh thất chào sư Kiến Tâm một tiếng gọi là tạ ơn khai tâm điểm đạo. Anh được sư giữ lại tịnh thất 3 ngày ăn chay nằm đất, nghe chuyện dưới đất trên trời, và nghe được cả một câu chuyện dài về thuật chăn trâu qua cuốn sách đã nhàu nát cũ mèm mang tên “Thập mục ngưu đồ” (mười bức tranh chăn trâu) của Thiền tông Phật giáo Đại thừa. Sau ba ngày ba đêm được nghe giảng giải, lĩnh hội được những ẩn ý ẩn dụ của mười bức tranh trông rất chân quê mà lại vô cùng cao siêu thâm thúy, anh có phần nào tỉnh hồn, vơi đi nhiều buồn bực và nỗi dày vò day dứt, lạy tạ sư thầy mà trở về với cõi dưới núi. “Mất dạy”, cái từ mà anh nghe người ta thường dùng để đùa khi nói về một giáo viên bị mất việc, không ngờ có ngày lại rơi vào số phận của chính anh.

 

Đó là một điều sỉ nhục khổng lồ mà anh đã phải còng lưng mang về chốn thị thành. Anh chấp nhận cõng khiêng vác rinh nó như để tự trừng phạt mình, nhưng cũng chính vì sự xấu hổ ấy mà anh đã không dám liên lạc với người mình yêu đang tận tụy với nghề ở ngoài hải đảo xa xôi. Anh chạy trốn nàng, trốn chạy để khỏi nói lên sự thật, cay đắng chát chua, thà trốn chạy còn hơn là nói dối, vì anh chưa bao giờ nói dối với nàng dù là nói dối cho vui. Anh trốn chạy nàng bắt đầu bằng một cuộc phiêu lưu tha phương cầu thực, xếp xó trong ba lô những gì liên quan đến một nhà mô phạm, như che giấu một tội lỗi không thể tha thứ. Anh trôi dạt qua những công trường xây dựng, thủy lợi, cao su với đôi tay trắng, vắt tươm sức lao động ra để đánh đổi miếng cơm manh áo qua ngày đoạn tháng.

 

Anh trôi theo dòng sống như đám lục bình trôi trên sông, hết vào Nam lại ra Trung, hết lên Tây Nguyên lại về Đông Nam Bộ… Đáng nhớ nhất là có thời gian được hơn một năm, anh đã dừng chân tại một ngôi chùa làng để đứng trên bục gỗ giảng dạy cho các em học trò nghèo ở lớp học tình thương. Rồi vì chuyện cơm áo bức bối, anh lại cuốn gói ra đi vô định, trở lại với cuốc xẻng búa rựa, dầm mưa dãi nắng trên các con kênh chạy ven theo chân núi, các trạm bơm nằm bên bờ sông hiền hòa, các ngôi nhà đồ sộ sừng sửng mọc lên giữa lòng đô thị xôn xao… Quay đi ngoảnh lại, anh giật mình khi thấy đã trôi qua hơn mười năm. Mườùi năm hèn nhát chạy trốn, không mảy may liên lạc với Hoa Hồng, anh cũng đã quen dần với những đêm nằm vắt tay lên trán suy tư trăn trở chuyện ngày mai, và trằn trọc hồi tưởng chuyện quá khứ…

 

Anh bỗng dưng không còn sợ gặïp Hoa Hồng nữa, mà còn khát khao muốn tái ngộ với nàng, hai người dù đói dù nghèo, dù có thương tật rách rưới thì anh vẫn muốn được sống với người mình yêu, có chết cũng nhắm mắt thỏa nguyện. Còn như nàng đã yên bề gia thất với hạnh phúc tràn trề thì anh mừng cho nàng, vì nàng xứng đáng được như vậy. Nhưng anh không tìm được chút manh mối nào về nàng trong quãng thời gian anh trở về sống nơi chốn cũ. Số là, trong một lần tình cờ, anh làm quen được với một gia đình nề nếp gia giáo, ở ngay tại quê nhà xưa mà anh đã bao năm rời bỏ, qua sự giới thiệu của ông Chủ nhiệm Tổ hợp Xây dựng.

 

Biết “lính” của mình trước kia từng là một giáo viên, nay có đạo đức tốt, chăm siêng làm việc, ông Chủ nhiệm đã giới thiệu anh đến làm gia sư cho hai đứa con của người em gái ruột, nhà rất giàu có ở khu dân cư đông đúc hỗn tạp. Anh được gia chủ lo cho một chỗ trọ riêng gần đó, để ngày hai buổi đến nhà dạy kèm cho hai đứa học trò vừa ngỗ nghịch lại vừa u tối đầu óc. Thoát được những cây cuốc cây xẻng, anh cũng mừng thầm, nên ráng gồng mình với việc dạy kèm được đến hai năm thì… bứt. Anh chịu không nổi hai đứa học trò bướng lì và hỗn láo, xin nghỉ việc, và ra bến xe hành nghề bốc vác kiếm tiền độ nhật, và để trả tiền ở trọ.

 

Làm được vài tháng thì anh đổ bệnh, đã đau ngực lại tức lưng, lao động nặng là thở gấp gáp muốn tắt hơi mà chết. Anh nghỉ việc, về nhà trọ nằm dài chịu cảnh thất nghiệp đáng sợ, và sợ nhất là bị bà chủ nhà trọ hỏi tiền tháng. Bế tắc tứ phương. Lại còn Tết đang sắp đến nữa. Có ai còn ham sống nếu như rơi vào hoàn cảnh như anh không? Nhưng anh vẫn phải sống. Anh không sợ cuộc sống không có gì để mất này nữa. Chính những lúc tưởng chừng như bế tắc, anh đều nhớ đến sư Kiến Tâm, nhớ đến bài học chăn trâu ngộ nghĩnh và kỳ diệu. Tìm trâu, thấy dấu, thấy trâu, được trâu, chăn trâu, cưỡi trâu về nhà, quên trâu còn người, người trâu đều quên, trở về nguồn cội, và thõng tay vào chợ.

 

Anh chỉ còn nhớ mang máng ý nghĩa của từng bức tranh chăn trâu, vì lâu quá rồi không ôn không tưởng, nhưng anh vẫn nhớ rõ ý nghĩa bức tranh cuối cùng “thõng tay vào chợ” mà sư Kiến Tâm đã giảng giải rất hay, rất lôi cuốn, rất tuyệt. Vị thiền sư trong bức tranh thứ mười của “Thập mục ngưu đồ” đã đóng cửa tịnh thất, chống gậy đi xuống chợ đời bát nháo, tay cầm bầu rượu, tay xách đuôi con cá chép to đùng để tìm người đời rủ nhậu nhẹt một trận tưng bừng khói lửa cho vui. An nhiên. Tự tại vô ngại. Thiền sư đi vào cõi Ma. Vào cõi Ma để độ trì cho Ma, giáo hóa cho lục tặc cô hồn, chứ không phải cốt để nhậu nhẹt phá giới.

 

Thiền sư đã giác ngộ rồi, vào cõi Bụt rồi, mới dám vào cõi Ma một cách ung dung để độ tha cho đầy đủ công hạnh, nên ông ta có uống rượu cũng được, cũng chỉ như uống chén trà, ăn thịt ăn cá cũng được, cũng chỉ như ăn đậu hủ tương chao thôi. Còn người đời như anh, và nhiều người khác trên cõi hồng trần này, còn đứng cách hàng rào của cõi Bụt đến thiên lý vạn dặm, thì thõng tay vào cõi Ma là gan cùng mình, có nước bị Ma nó nhiếp hóa thành Ma không đầu luôn chớ ích lợi gì! Anh hiểu điều đó, biết mình không bao giờ hành được như vị thiền sư, nhưng ít ra anh cũng học được cách thõng tay vào chợ thong dong, cứ giữ “Phật Tánh” trong mình cho chặt vững, thì cứ thử bắt chước xem cho biết để đo đong cân đếm được bản lĩnh của mình.

 

Anh đã thử một lần thõng tay vào chợ, đi được chừng vài mười bước thì lạnh mình, chùn chân, mồ hôi toát lạnh cả lưng áo, khi thấy ai cũng nhìn mình bằng ánh mắt đầy cảnh giác. Hỡi ôi… không được rồi là không được rồi, phải cho hai bàn tay vào hai túi quần mau mau! Anh định tâm tỉnh trí, “ngộ” ra mình chỉ là một thằng phàm phu tục tử, khố rách áo ôm, vậy thì đừng có bày đặt nhập vai thánh thiện siêu thoát cho khổ càng thêm khổ. Anh vội cho hai bàn tay vào túi quần ngay sau đó, mới tìm được sự an nhiên mà tiếp bước vào khu chợ Tết náo nhiệt. Mấy cái Tết trước anh đều làm như vậy. Ba ngày vừa qua, hễ buồn chán là anh ra đường, vào thẳng chợ Tết để ngắm nghía, để hít thở, rồi về nhà nằm dài…

 

Bây giờ, anh lại cứ đi. Anh đi giữa chốn sắc màu rực rỡ và hương mùi phảng phất của trăm hoa vạn món. Anh đi cho quên và cho qua những giờ phút vô vị rỗng tuếch của một kẻ bất đắc chí ăn không ngồi rồi. Anh đứng lại trước hàng hoa, dòng người ngược xuôi chộn rộn đẩy anh đi. Anh đứng lại, dòng người lại đẩy anh đi. Đứng lại, đẩy đi, đứng lại, đẩy đi… rồi anh phì cười khi thấy mình đã được đứng lại, yên vị trước sạp hàng bánh mứt của một chị mặt hoa da phấn rạng rỡ tươi vui. “Mua mứt đi anh!”. Anh cười, một nụ cười mếu máo trông thật thảm hại, rồi lắc đầu rất khe khẽ. Hai bàn tay anh lúc ấy tự nhiên cùng bảo nhau rúc chui sâu thêm vào bên trong túi quần.

 

Anh đưa mắt nhìn chị bán hàng như để muốn phân trần:“Tôi không bốc mứt của chị để ăn thử đâu, đừng lo!”. Bất ngờ, anh nhướng mắt lên, chân chôn xuống dất dường như đã lên đến hai đầu gối. Trước mắt anh, chị bán hàng cũng đâng trố mắt lên, gương mặt đầy ắp bàng hoàng. “Anh đó ư? Có phải là anh đó không?”. Anh rùng mình khi nhận ra giọng nói thân quen ngày nào. Nghẹn ngào giữa tỉnh tỉnh mơ mơ, anh gật đầu. Cái gật đầu rất dè dặt của anh cũng đủ làm cho chị bán hàng nhổm cả người lên. Chị, chính là nàng Hoa Hồng của anh ngày xưa, luýnh quýnh trèo xuống khỏi sạp, bước lại bên anh, nhìn từ tóc đến ngón chân anh, rồi nức nở: “Em tìm anh từ đó đến nay, mười lăm năm hơn rồi… Sao anh không trốn luôn đi? Sao anh không đi luôn khỏi cuộc đời em đi?”. Anh xúc động, nhún vai nói: “Anh cũng tìm em suốt mấy năm qua, và đã đi lạc luôn rồi, nay không còn là anh nữa đâu!”.

 

Chị đặt hai bàn tay lên hai vai anh, lay liên hồi, hỏi liên tục: “Có vợ con gì chưa? Vợ con có chưa? Lập gia đình chưa? Gia đình có chưa?”. Anh cộc lốc: “Độc thân!”. Thay vì chị hỏi “Thật không?”, nhưng chị sực nhớ là anh chưa bao giờ biết nói dối, nên chị lại nói: “Em… cũng vậy. Và đã trở thành gái già cũng vì anh đó!”. Anh rơm rớm nước mắt, không biết nói gì. Chị khẽ giọng nhưng đầy quyết đoán: “Về sống với em nhé?”. Anh chưa kịp trả lời, đã thấy có bốn, năm người khách ghé vào sạp của chị mua mứt bánh. Chị cười đón khách, mắt nhìn anh, nói: “Phụ bán mứt với em đi, anh!”. Anh chần chừ giây lát, rồi chợt tỉnh, hốt nhiên tỉnh ngộ như thiền sư vừa khai phá một công án thiền.

 

Đã lâu lắm rồi, đôi bàn tay anh mới rút ra khỏi túi giữa chợ. Anh rút chúng ra khỏi ngục tù ngột ngạt tăm tối một cách nhẹ tênh thông suốt. Thõng hai cánh tay xuống. Và, anh bắt đầu cân mứt cho khách phụ chị bằng đôi bàn tay vừa chộp bắt lại được một tình yêu thất lạc nhiều mùa Xuân qua…

++++++++++++++++++++++++++

QUÀ TẾT CỦA THẦY

Truyện ngăn của Tâm Không Vĩnh Hữu

 

 

 

Tôi đang loay hoay quét mạng nhện trên trần nhà, chuẩn bị một cuộc tổng vệ sinh nhà cửa để đón cái Tết cổ truyền, chào mừng năm mới theo lệnh của cha. Út Huy đi học về lúc ấy, mặt chằm quằm một đống, liệng chiếc cặp lên chiếc ghế salon... rồi ngồi phịch xuống kế bên, thở dài nghe não ruột. Tôi ngưng tay chổi ngó nó từ đầu tới chân. Nó lấm la lấm lét nhìn tôi, lúng búng: “Anh Ba... anh Ba...” Đưa mắt nhìn nghi ngại, tôi bắt gặp ngay chuyện không vui. Hơi lo, tôi làm bộ hỏi: "Thì tao là anh Ba đây, có gì là lạ đâu? Mày sao vậy? Sao mà... như bị mất hồn vậy?” Chừng như thằng nhóc chỉ chờ tôi hỏi vậy, nói ngay: “Lão thầy đánh em, anh Ba à!”  Tay nó xoa lấy mông, nước mắt lưng tròng.

 

Trời ạ, thằng học trò quỷ sứ lại dám gọi thầy giáo chủ nhiệm của mình bằng "lão thầy" thì... hết nước nói. Nhưng chuyện gì vậy chớ? Tôi chống nạnh, hỏi gằn: “Sao ổng đánh”  “Tự nhiên à!” “Tự nhiên?” Tôi nổi cáu “Phải có nguyên nhân chớ. Vô lý!”  Út Huy im thin thít. Nó lãng tránh đôi mắt đang trợn trừng long lên song sọc của tôi. Tôi nạt: “Mày quậy trong giờ học phải không? Hay đánh lộn với bạn, hay không thuộc bài? Nói thật đi, nói!”  Út Huy ấp úng: “Em... em... không thuộc bài! Bài tập ở nhà cũng... quên làm!”  “Ờ, phải rồi. Bài không lo học, bài tập thì quên làm. Thời giờ mày dùng để làm gì hả? Chắc là chưa gì đã lo lên kế hoạch ăn Tết rồi phải không?”  “Em... em...”  “Mắc coi phim Thiên Long Bát Bộ, hay Tân Bao Thanh Thiên?”  “Đâu có! Em chơi... chơi...”  “Chơi Gêm On-lai chớ gì?” Đâu có, em chơi tem sưu tập mà!”. “Hứ... Tem, tem, tem… Lúc nào cũng mày mò máy mó sờ sẫm săm soi mấy con tem động vật. Ai cấm mày chơi tem đâu, nhưng chơi phải có giờ có giấc, vừa chơi vừa học thì mới là chơi bổ ích lành mạnh. Thầy đánh cũng vừa rồi, méc với tao làm chi, tao đánh thêm cho no luôn. Bộ mày muốn tao ra tay báo thù hả?” “Chớ sao, phải báo thù cho em, anh Ba ơi!”  Tôi há hốc mồm nhìn nó. Trời ạ, lại Trời ạ, nhìn cái bản mặt nó thì tôi biết ngay là nó không nói đùa nói chơi, nó nói thật tâm thật lòng kia kìa. Tôi nổi khùng: “Tao như vậy mà đi đánh thầy báo thù cho mày hả?”  Út Huy nhìn tôi chăm chăm, nói thản nhiên: “Anh to con, khỏe mạnh, lại có nghề, chắc là hạ gục lão thầy ốm tong ốm teo đó dễ òm mà. Ngán gì, anh Ba?”  Tôi nắm lấy vành tai nó, véo một cái, rồi gằn giọng: “Tao cấm mày ăn nói mất dạy nghe chưa! Thầy cô là cha mẹ ở chốn học đường, mày là thứ con cái hư hỏng bê bối, ăn đòn cho chừa thôi!”  Thằng nhóc nức nở: “Nhưng... ổng đánh em... đau quá tàn nhẫn quá... hu hu...”  Tàn nhẫn? Thằng con nít này mà cũng biết cái chữ ghê rợn vậy ta? Không lẽ vị thầy kia đã cho nó một trận mưa sa bão táp khủng khiếp đến độ làm cho nó phẫn uất như vậy? Tôi hơi chột dạ, xoa đầu thằng em máu mủ của mình, hỏi: “Ổng đánh dzữ lắm hả? Đánh bằng gì?” “Đánh bằng... hu hu… bằng cây thước gỗ... ba cái... muốn tét đít... hu hu...”  Tôi xoay người Út Huy lại, kéo quần nó xuống nhìn thử xem tỉ lệ thương tích "đạt" đến cỡ nào. Trên làn da trắng nõn của thằng nhóc hằn lên ba dấu, nói đúng hơn là ba lằn đỏ bầm. Tôi giật thót mình, ruột gan tim phổi như bị ai nắm bóp. Thầy giáo đã quá tay rồi! Không thể chấp nhận được mức độ "sát thương" đến cỡ đó. Thầy giáo không được quyền "xâm phạm" thân thể của học sinh đến tét thịt tóe máu như đang hiện ra trước mắt tôi, cho dù thằng Út Huy có mắc phải sai lầm nghiêm trọng. Đầu tôi nóng bừng lên. Hai bàn tay theo phản xạ tự nhiên nắm thành hai nắm đấm rung lên khe khẽ. Tôi không còn là tôi nữa trong khoảnh khắc ấy. Hơn lúc nào hết, tôi muốn gặp "lão thầy" kia ngay lập tức. Tôi hỏi với giọng run run chất chứa đầy căm giận: “Giờ này ổng còn ở trường không?" Thằng nhóc lắc đầu, buồn bã: “Ổng về rồi. Bữa nay là buổi học cuối học kỳ I, ngày mai nghỉ Tết rồi anh Ba ơi... Anh Ba để đến chiều, hoặc tối, đi tìm lão thầy để báo thù cho em!”  Chiều tối? Chiều tối thì sợ tôi không còn giận nữa. Nguôi giận rồi thì huề cả làng. “Nhà ổng ở đâu biết không?”  “Xa lắm. Để chiều em dẫn anh đi!” Chiều? Không được. Hai nắm tay của tôi đang ngứa ngáy. Chúng thèm khác được làm việc. Làm việc ngay tức khắc chứ không thể chần chừ thêm giây phút nào nữa. Tôi đấm vào không khí một hơi đến mười cái "xé gió" kêu vù vù... Và, bỗng nhiên tôi thấy lòng nhẹ tênh, đầu nhẹ hều mát mẻ, hai cánh tay tôi buông thõng xuống như cạn kiệt sức lực. Tôi chợt ngẩn người ra nhìn vào một cõi xa vời vợi. Ở nơi ấy, kỷ niệm xưa thời còn ngồi trên ghế nhà trường đang đủng đỉnh dạo chơi giữa hương đồng cỏ nội mênh mông thật hiền hòa. Kỷ niệm về một cú cốc đầu mà một người thầy đã tặng cho tôi, đang đưa tay vẫy gọi, và chạy đến chạy đến thật nhanh…

 

 

Năm học lớp 7, tôi là trưởng lớp, học xuất sắc mọi môn, lại rất ngoan hiền. Giờ Hóa, thầy phụ trách môn nghỉ dạy vì bệnh, thầy Chi đến dạy thay tạm thời gian. Đầu bài giảng mới, thầy Chi hỏi: “Ký hiệu hóa học của thủy ngân là...là...” Thầy bỏ lững để chờ cả lớp đồng thanh trả lời. Nhưng lớp học im re. Thầy chỉ một bạn ngồi bàn đầu, rồi lặp lại câu hỏi: “Ký hiệu hóa học của thủy ngân là ...?” Bạn ấy lúng búng: “Thưa thầy... chưa học đến ạ!”  “Sao lại chưa? Đã học qua chưa, cả lớp?” thầy bực bội hỏi to. Tiếng lật vở giở sách sột soạt. Không đối đáp. Thầy chỉ vào tôi, hỏi gằn: “Học chưa?” Tôi lúng túng đứng dậy, run rẩy trong khi cố moi trí nhớ đang hỗn độn của mình. Không nhớ nổi. Thật kỳ lạ đến tức tối. Giọng thầy Chi lại vang lên: “Ký hiệu hóa học của thủy ngân, học chưa?” “Thưa thầy chưa ạ!” tôi đáp đại. Thầy Chi bước lại cầm cuốn vở Hóa của tôi lật xem. Sột soạt, sột soạt … Rồi thầy đưa cuốn vở trước mặt tôi, chỉ vào và hỏi: “Chớ cái gì đây? Cái gì đây?” Tôi hoa mắt lên nhìn vào những chữ viết của chính mình đang nhảy múa trên trang vở. Trong cuộc nhảy múa tập thể tưng bừng của chữ nghĩa ngôn từ ấy, đang có sự hiện diện của Hg, ký hiệu hóa học của thứ thủy tinh chết tiệt kia. Tôi tái mặt, cứng họng. Và, lãnh liền một cú cốc ngay trên đầu tá hỏa tam tinh, tứ mặt trời. Phải, thầy Chi đã cốc tôi trên đầu! Chưa hết, thầy đanh giọng quát lên: “Cả lớp quỳ hết lên ghế. Quỳ cho hết giờ!”  Lũ chúng tôi quỳ lên ghế. Có đứa cười khúc khích, có đứa tủm tỉm, dường như lấy làm thích thú với cảnh quỳ tập thể hiếm xảy ra. Tôi thì muốn mếu khóc. Thầy Chi bước lên bục giảng, quét mắt nhìn quanh, hỏi: “Trưởng lớp đâu?”  Trời ạ! Tôi muốn chui ngay xuống gầm bàn. Các bạn chỉ tôi. Thầy mỉa mai: “Té ra là ông thần này. Sao nghe nói ông trưởng lớp 7B giỏi ngoan lắm mà?" Tôi cúi gằm mặt xuống. Tai nghe ong ong. Cả khuôn mặt tôi lúc ấy như chảy xệ xuống tới... bụng. Tôi quỳ, và muốn quỳ suốt trăm năm để tự trừng phạt mình cái tội chểnh mảng lơ đễnh trong học tập. Thầy đã cho cả lớp ngồi xuống, kèm theo lời cảnh cáo. Cuối giờ, thầy gọi tôi lại khi cả lớp đã ra khỏi phòng. Nhìn tôi bằng đôi mắt hiền từ, thầy hỏi: “Có đau lắm không?”  “Thưa thầy... đau ạ. Nhưng em đáng tội, không oan ức đâu ạ!”  Thầy nhoẻn miệng cười: “Phải như em trả lời học rồi mà quên, thì thầy đã không nổi nóng. Em lại đáp rất chắc chắn, quả quyết. Thầy nóng quá, lỡ nặng tay với em, khi xong rồi thầy mới thấy hối hận. Bậy quá, thầy xin lỗi em vậy nhé!”  “Thưa thầy”, tôi xúc động muốn khóc “em... em... không sao đâu ạ!”

 

Từ hôm ấy, đến tận hôm nay, đã hơn ba mươi lăm năm tôi vẫn nhớ rõ mồn một. Trong suốt thời gian dài dằng dặc ấy, nếu có một ai bất chợt hỏi tôi: "Ký hiệu hoá học của thủy ngân là gì?", tôi sẽ "độp" ngay tức khắc: "Hg". Hỏi đột ngột một tỉ lần, tôi sẽ đáp trúng phóc và cực nhanh một tỉ lẻ một lần, không nao núng, không lưỡng lự, và cũng không cần nghĩ ngợi một tích tắc nào. Không phải chỉ nhớ Hg, mà nhớ rất nhiều, gần như là nhớ tất cả những gì cần nhớ đã thu thập được từ học đường. Nhớ, là nhờ cú cốc đầu đáng nhớ ấy.

Tôi thở dài, quay nhìn Út Huy. Nó đang trông chờ, hy vọng tràn mắt. Tự dưng cơn giận quỷ quái trong tôi trỗi dậy, tôi hằn học xổ một tăng: “Thầy đánh cho mày khôn ngoan lên. Thương thì mới đánh, ghét thì bỏ thí cho mày tự do lêu lổng. Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi, hiểu chưa?" Thằng nhóc ngơ ngác sững sờ. Tôi tiếp: “Mày phải cảm ơn thầy. Tao cũng phải cảm ơn thầy đã dạy mày. Mày đừng có xúi dại, tao xém chút nữa đã trở thành thằng mất dạy, vô giáo dục rồi!”  Út Huy kinh ngạc. Chắc nó nghĩ rằng tôi bị chạm dây, nên vội bước lùi ra sau, đứng ở góc nhà lấm lét nhìn thằng anh "to con giỏi võ" của nó. Đúng lúc đó, một người bước vào nhà. Tôi đưa mắt nhìn. Lạ hoắc. Ai vậy kìa? “Ổng đó, anh Ba!” thằng nhóc reo lên vừa mừng, vừa sợ. “Ổng”? A... thì ra là người đã ban tặng cho thằng út em tôi ba lằn roi nơi mông. Tôi sững sờ, không biết phải làm gì và nói gì, chỉ trố mắt nhìn khách chăm chăm. Tôi thấy "ổng" đang cầm trên tay một gói quà gói giấy hoa trang nhã, dường như là một cuốn sách gì đó. "Ổng" bước lại trước tôi, nói với giọng buồn hiu nghe muốn não lòng: “Tôi là thầy giáo chủ nhiệm lớp của em Huy. Tôi đến đây để xin lỗi cùng gia đình, xin lỗi em Huy, tôi không kìm được cơn nóng nhất thời, nên đã mạnh tay với em. Giá như em Huy đừng có nhảy né, múa võ... thì chuyện đáng tiếc đã không xảy ra. Tôi ân hận quá. Thành thật xin lỗi cùng phụ huynh!” Giọng thầy đều đều vang lên. Tôi cảm thấy như gió mát trong lành vào tận nhà. Tôi mỉm cười: “Dạ, Không sao đâu thầy ạ!”

 

Tôi nói thật lòng. Rất thật lòng. Và tôi vừa sực nhớ đến... cú cốc đầu năm nào.  Thầy bước lại bên út Huy, giọng nhỏ nhẹ: “Thầy xin lỗl em nhé... Vì ngày mai trường đã nghỉ Tết, thầy trò ta không gặp nhau trong những ngày tới, thầy đến đây trước là xin lỗi em, sau là... tặng em món quà mừng Xuân mới nho nhỏ, mong rằng em không giận thầy, bỏ qua hết chuyện năm cũ này đi nhé?” Tôi thấy thầy trao cho Út Huy gói quà, thằng nhóc vừa đưa tay nhận lấy, thầy lại móc túi áo lấy ra một chai dầu nóng dúi vào tay nó. Xong, thầy xoa đầu nó âu yếm, mà không nói thêm lời nào. Khi thầy chào từ giã ra về tôi nhào tới chỗ Út Huy ngay. Thằng nhóc lộ vẻ thích thú khi mở lớp giấy hoa xem quà. Trong đó là hai cuốn sách. Một cuốn có tựa đề: "Tam hồn cao thượng" còn mới keng. Cuốn kia là cuốn sách cũ được xuất bản trước năm 1975, tựa đề: “Nghệ thuật chơi tem” của Nguyễn Bảo Tụng. Thằng nhóc lật xem thử bên trong, đã không lộ chút vui mừng, còn nguýt mắt bĩu môi nói: “Tưởng tặng cho cuốn truyện tranh chớ, tặng gì mấy cuốn này!”.

 

Tôi cốc nhẹ lên đầu nó, nói: “Đồ ngốc. Mấy cuốn sách này đáng giá nghìn vàng đó mày! Mày mới thật là hạnh phúc, thật hạnh phúc khi được một người thầy chủ nhiệm quan tâm sâu sát, nắm bắt được sở thích của học trò mình như vậy. Lo mà làm sách gối đầu giường, đem ra đọc rồi nghiền ngẫm ba ngày Tết đi em!”

Tâm Không Vĩnh Hữu